VBF công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam 2.0

Trong bối cảnh năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển nhanh chóng và khả năng tăng sử dụng khí trong sản xuất điện, ngày 27/2, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0). Theo đó, đưa ra Chiến lược phát triển năng lượng dựa trên những nguồn năng lượng tại Việt Nam, với trọng tâm là năng lượng tái tạo.

Bà Virginia Foote - Đại diện Liên minh VBF - cho biết, trong khi năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và trở nên bức thiết đã đặt ra yêu cầu khai thác nguồn năng lượng tái tạo, sạch, an toàn để thay thế. Việc làm này còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường sống. Bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng nên khuyến khích việc sử dụng hệ thống pin mặt trời trên các tầng mái, thậm chí có thể lan tỏa thành các phong trào rộng khắp trong cộng đồng xã hội. Đó chính là lý do VBF công bố Kế hoạch năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 2.0).

Báo cáo được hoàn thành nhờ sự nỗ lực của tập thể các thành viên VBF - một kênh đối thoại chính sách cấp cao giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm 15 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Báo cáo này dựa trên Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam (Phiên bản 1.0) năm 2016 của Nhóm công tác Điện và Năng lượng VBF.

vbf cong bo ke hoach nang luong san xuat tai viet nam 20

Theo đánh giá của Nhóm Công tác Điện và năng lượng VBF, năm 2019 chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại Việt Nam. Điều này dẫn đến việc cần thiết phải có sự điều tiết cho sự mở rộng “bùng nổ” của hệ thống pin lưu trữ, tăng hiệu quả năng lượng và khí tự nhiên.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tại Việt Nam vào tháng 1/2019, có hơn 330 dự án năng lượng mặt trời, với tổng công suất đăng ký là 26.00MW, đã phải thực hiện nhiều bước trong quá trình phê duyệt để bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực. Trong số đó, 121 dự án với tổng công suất 6.100MW đã được phê duyệt và bổ sung vào các quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và địa phương. Đặc biệt, dự án đầu tư lớn của tư nhân ở tỉnh Ninh Thuận, với cụm 3 nhà máy có công suất 330MW đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 4/2019. Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á với tổng số hơn 1 triệu tấm pin, và tổng giá trị đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, tương đương 300 triệu USD ở thời điểm hiện tại. Dự án này góp phần giảm phát thải gần 304.400 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.

Việt Nam có tiềm năng phát triển nhanh chóng năng lượng tái tạo trong điều kiện thị trường hiện nay nếu có các chính sách hiệu quả. Tuy nhiên, tham vọng mở rộng hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo vẫn bị hạn chế bởi những rào cản mà người tiêu dùng quan tâm mua năng lượng sạch và đơn vị sản xuất tiếp cận vốn tài trợ đang phải đối mặt”- ông John Rockhold – Trưởng nhóm công tác Điện và năng lượng VBF cho hay.

Vì vậy, trong Phiên bản 2.0 của Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam, VBF đã đưa ra kế hoạch thay thế giúp phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai bằng cách đề xuất lộ trình phát triển năng lượng sạch hơn, có chi phí hợp lý hơn và bền vững hơn. Theo đó, VBF đưa ra 6 khuyến nghị cơ bản bao gồm: Khuyến khích các chuyên gia năng lượng trong khu vực tư nhân tham gia hỗ trợ xây dựng Tổng Sơ đồ Điện VIII; trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, khí, pin lưu trữ và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Ngoài ra, cần thực hiện các quy định pháp luật và các ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn và nhỏ, chẳng hạn như điện mặt trời áp mái, pin lưu trữ, trang trại điện mặt trời, điện mặt trời nổi, điện gió ngoài khơi và trên bờ, điện sinh khối; đơn giản hoá quy trình phê duyệt dự án trong khi vẫn duy trì các hệ thống điện an toàn.

Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam phiên bản 2.0 cũng đề xuất, chuẩn hóa Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Hợp đồng mua bán điện (PPA) thành hợp đồng có khả năng được chấp nhận cấp vốn quốc tế, được sử dụng toàn cầu cũng như tại các nước ASEAN.

Bên cạnh đó, công bố lộ trình giá bán lẻ điện đến năm 2025, trong đó cần phản ánh sự dịch chuyển theo hướng định giá theo thị trường, điều chỉnh số giờ áp giá điện đỉnh và cân nhắc áp dụng biểu giá bán lẻ khác nhau cho các khu vực khác nhau và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”- đại diện Nhóm công tác Điện và năng lượng VBF đề xuất.

Đồng thời, cũng cần đánh giá nhu cầu cấp thiết về phát triển hệ thống lưới truyền tải và cách thức phát triển hạ tầng lưới điện có chi phí thấp nhất nhằm hỗ trợ cho lượng điện năng lượng tái tạo và nguồn điện truyền tải gia tăng; đánh giá nguyên nhân và giải pháp cho cường độ sử dụng năng lượng rất cao và ngày càng tăng so với các nước láng giềng khu vực có GDP bình quân đầu người tương đương/ cao hơn và chuẩn bị chiến dịch tuyên truyền cộng đồng về tránh lãng phí năng lượng ở cấp độ dân cư, văn phòng và nhà máy sản xuất.

Chúng ta có thể thấy được những gì mà khối tư nhân có thể thực hiện đối với các dự án năng lượng trong một thời gian ngắn hơn. Sau khi biểu giá bán điện FiT được ban hành vào tháng 9/2016, khối tư nhân đã lắp đặt được xấp xỉ 5.2 GW năng lượng mặt trời. Con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai khi việc chuyển sang sử dụng khí như một phụ tải nền để hỗ trợ hàng chục các dự án năng lượng tái tạo được đề xuất”, ông John Rockhold - Trưởng nhóm công tác Điện và năng lượng VBF - nhấn mạnh.

Thu Phương

Nguồn: https://congthuong.vn/vbf-cong-bo-ke-hoach-nang-luong-san-xuat-tai-viet-nam-20-133222.html

 

Lượt xem: 409

Copyright©2018 Mitha Event. All rights reserved