Đảm bảo lao động có kiến thức, kỹ năng, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe ngành hàng không

Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam không ngừng mở rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở nên vô cùng cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu cho các thế hệ lao động trẻ là điều kiện tiên quyết.

Ngày 15/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP Triển lãm Hàng không Việt Nam tổ chức họp báo về Chương trình đầu tư hàng không Việt Nam Training – MRO – Logistics.

Chương trình đầu tư hàng không Việt Nam Training – MRO – Logistics là nền tảng kết nối và hợp tác đầu tư giữa các nhà lãnh đạo, các chủ doanh nghiệp, tổ chức, đối tác tập đoàn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào ngành hàng không Việt Nam. Đồng thời, sự kiện góp phần xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác kinh doanh đào tạo, sửa chữa…, mở ra cơ hội cho ngành hàng không Việt Nam đang trên đà phát triển.

 Bà Lương Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam, phát biểu tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, bà Lương Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam, cho biết: Trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam không ngừng mở rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở nên vô cùng cấp bách. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu cho các thế hệ lao động trẻ là điều kiện tiên quyết. Chúng ta cần xây dựng các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, đảm bảo lực lượng lao động có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong ngành hàng không toàn cầu.

Bà Lương Thị Xuân cho rằng: Cơ sở hạ tầng sân bay của Việt Nam cần được nâng cấp và phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng của ngành. Hiện nay, mặc dù đã có những nỗ lực cải tạo và mở rộng, nhưng để Việt Nam thực sự trở thành một trung tâm hàng không trong khu vực, chúng ta cần kêu gọi sự tham gia tích cực từ các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sân bay không chỉ nâng cao năng lực vận hành mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.

“Chúng ta không thể không nhắc đến mối quan hệ chặt chẽ giữa ngành hàng không và du lịch. Sự phát triển của ngành hàng không sẽ trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, và ngược lại, du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu lớn cho ngành hàng không. Việt Nam, với những tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, cần tận dụng tối đa cơ hội này để phát triển bền vững cả hai ngành, từ đó, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia. Diễn đàn hôm nay là một cơ hội quý để chúng ta cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được và định hướng cho những bước tiến tương lai. Tôi tin tưởng rằng, với sự hợp tác và chung sức của tất cả các bên liên quan, ngành hàng không Việt Nam sẽ không ngừng vươn xa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - bà Lương Thị Xuân chia sẻ.

 Ông Andrew Chumney, Giám đốc cố vấn kỹ thuật hàng không Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam, phát biểu tại buổi họp báo.

Ông Andrew Chumney, từng là Giám đốc kỹ thuật chương trình an toàn và quy định của Boeing, cố vấn cấp cao Cục Hàng không Thái Lan, và hiện là Giám đốc cố vấn kỹ thuật hàng không Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam, cho biết tầm nhìn của sự phát triển ngành công nghiệp để theo kịp nhu cầu tăng trưởng hàng không theo cấp số nhân do ngành du lịch thúc đẩy vượt quá mức tăng trưởng hàng năm là 13%.

"Các hãng hàng không lớn của Việt Nam, trước và sau COVID-19, đã đặt hàng hơn 300 máy bay mới, tăng hơn gấp đôi đội bay hoạt động hiện tại. Những chiếc máy bay này dự kiến sẽ được bàn giao trong 5 năm tới. Để duy trì những chiếc máy bay này, ủy ban tăng trưởng của chúng tôi tập trung vào ngắn hạn để thành lập các trường đào tạo cơ khí máy bay được cấp phép. Chúng tôi dự kiến rằng nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư cơ khí sẽ lên đến con số 4.000 kỹ sư trong thời gian tới. Đồng thời, thợ cơ khí, họ được yêu cầu nói tiếng Anh chuẩn quốc tế ở cấp độ 4 theo tiêu chuẩn toàn cầu, hoàn thành 2 năm học tại trường và 1 năm chương trình thực tập" - ông Andrew Chumney cho biết thêm.

“Phát triển ngành công nghiệp là bắt đầu đào tạo tập trung vào những điều cơ bản về hàng không như: Khoa học, Toán học và Kỹ thuật. Chương trình giảng dạy này sẽ chuyển sang hệ thống đại học của Việt Nam để cung cấp các ngành kỹ thuật thiết kế hàng không, cơ khí, điện và sản xuất. Thông qua những phát triển giáo dục này, có thể mất 3 - 5 năm và có thể lên đến 7 năm để có được các kỹ năng và kinh nghiệm kỹ thuật cần thiết để thiết kế và phát triển máy bay trong nước với các kỹ sư được đào tạo tại Việt Nam” - ông Andrew Chumney chỉ rõ.

 Lễ ký kết hợp tác của Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam và các đối tác: Trường cao đẳng hàng không Canada (CAC), Viện khoa học hàng không Việt Nam (ASI), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất – Đồng Tháp, Trường hàng không và Logistics Việt Nam (VILAS), Công ty CP Cung ứng nguồn nhân lực hàng không ATL, Công ty CP RIE, Cty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ xây dựng Đại Nam.

Tại buổi họp báo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác của Công ty CP Triển lãm hàng không Việt Nam và các đối tác: Trường cao đẳng hàng không Canada (CAC), Viện khoa học hàng không Việt Nam (ASI), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất – Đồng Tháp, Trường hàng không và Logistics Việt Nam (VILAS), Công ty CP Cung ứng nguồn nhân lực hàng không ATL, Công ty CP RIE, Cty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ xây dựng Đại Nam./.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

Lượt xem: 17
Nguồn:https://dangcongsan.vn/kinh-te/dam-bao-lao-dong-co-kien-thuc-ky-nang-dap-ung-tieu-chuan-khat-khe-nganh-hang-khong-675181.html Sao chép liên kết

Copyright©2018 Mitha Event. All rights reserved